Vì sao “Giận quá mất khôn”? Và cách để “khôn” hơn khi giận.

Người Việt Nam có câu tục ngữ “giận quá mất khôn” để cảnh báo cơn giận dữ bộc phát có thể để lại hậu quả đáng tiếc, gây tổn thương tới người khác hoặc ảnh hưởng tới hình ảnh của bản thân. Một người bạn cãi nhau với bạn bè, một người bạn trai nổi đoá vì ghen tuông, một người lãnh đạo không hài lòng và trút giận lên nhân viên, đồng nghiệp xung đột lẫn nhau vì bất đồng quan điểm, tất cả đều là những chuyện thường xảy ra trong cuộc sống hàng ngày.

Giận dữ có thể xảy đến với bất kì ai, ở nhà, ở trường hoặc nơi công sở. Vậy bạn có hiểu tại sao cảm xúc giận dữ lại đến bất ngờ và khó kiểm soát đến như vậy? Các nhà tâm lý học đã đưa ra một cách giải thích cho hiện tượng đó bằng cụm từ Emotional Hijack hay Amygdala Hijack (tạm dịch: chiếm đoạt cảm xúc).

Emotional Hijack và những điều bạn cần biết

Emotional Hijack ám chỉ tới tình huống khi hạch hạnh nhân (amygdala) – phần đảm nhiệm vai trò xử lý cảm xúc trong não bộ con người chiếm đoạt hay lấn áp lý trí thông thường, từ đó tạo ra các phản ứng của cơ thể như “chiến đấu” hoặc “lẩn tránh” vấn đề. Thuật ngữ lần đầu tiên được phổ biến bởi nhà tâm lý Daniel Goleman năm 1995 trong cuốn sách về trí tuệ cảm xúc.

Hạch hạnh nhân được các nhà khoa học chứng minh có liên quan tới các phản ứng khác nhau trong cách xử lý cảm xúc của con người. Ví dụ như khi xảy ra một tình huống khẩn cấp, hạch hạnh nhân sẽ giúp bạn dũng cảm hơn để bảo vệ người mình yêu thương trước kẻ tấn công. Nhưng chúng cũng có thể đưa bạn đến các hành vi mạo hiểm, khó chịu hay giận dữ.

Các nhà khoa học cũng nhận ra rằng, trong khi phần lớn các quyết định của bạn diễn ra ở các phần khác nhau của não bộ, hạch hạnh nhân lại có xu hướng lấn áp trong các trường hợp cụ thể. Điều đó lí giải sau cơn giận dữ, bạn không thể giải thích tại sao cơn giận dữ lại xảy đến và như thể bạn bị chiếm đoạt bởi cơn giận dữ đó.

 Điều gì xảy ra khi bạn bị chiếm đoạt cảm xúc?

Các triệu chứng của việc chiếm đoạt cảm xúc là do tác động của hai loại hormone căng thẳng: cortisol và adrenaline. Cả hai loại hormone này đều được giải phóng từ tuyến thượng thận của cơ thể khi gặp phải một tình huống mà hạch hạnh nhân “cảm nhận” được tính nguy hiểm và chuẩn bị cho cơ thể đưa ra hai quyết định về hành vi: hoặc chạy trốn hoặc chiến đấu.

Các triệu chứng cơ thể bạn có thể nhận thấy khi này bao gồm:

  • Tim đập nhanh
  • Lòng bàn tay ướt đẫm mồ hôi
  • Nổi da gà

Ngay cả khi không phải đối diện với những tình huống thật sự được coi là nguy hiểm,cơ thể chúng ta vẫn phản ứng nhanh với những thay đổi sinh học. Ngay sau khi chiếm đoạt cảm xúc diễn ra, hành vi phản ứng của bạn có thể khiến bạn cảm thấy hối hận hoặc xấu hổ vì chúng có thể không phù hợp hoặc không hợp lý.

Cách để “khôn” hơn khi buộc phải làm việc với người mình không ưa

Cảm xúc mãnh liệt có thể kích hoạt việc chiếm đoạt cảm xúc. Ví dụ một cuộc tấn công đột ngột, một cú sốc lớn. Trong bối cảnh thường gặp hơn, tiếp xúc thường xuyên hoặc làm việc với người mình không ưa cũng có thể dẫn tới cảm xúc mâu thuẫn kịch liệt.

Cách tốt nhất để ngăn chặn hiện tượng chiếm đoạt cảm xúc là tăng cường trí tuệ cảm xúc của bạn. Trí tuệ cảm xúc mô tả khả năng hiểu biết và tự quản lý cảm xúc của bạn và sử dụng thông tin này theo những cách tích cực để giảm căng thẳng, giao tiếp hiệu quả, đồng cảm với người khác và xoa dịu xung đột.

Dưới đây là vài lời khuyên để tăng cường trí tuệ cảm xúc khi phải làm việc với người mình không ưa. Chúng cũng hữu ích cho các trường hợp khác:

1.Tìm hiểu nguyên nhân gốc rễ

Bước đầu tiên để ngăn chặn một cuộc chiếm đoạt cảm xúc là xác định những gì gây ra nó. Khi bạn cảm thấy các triệu chứng của sự chiếm đoạt cảm xúc bắt đầu, hãy cố gắng dừng lại một chút để chú ý xem điều gì đã kích hoạt nó.

Bất cứ điều gì gây ra căng thẳng về cảm xúc, thể chất hoặc tinh thần đều có thể là nguyên nhân kích hoạt. Có nhiều loại tác nhân gây căng thẳng ảnh hưởng đến mọi người ở một mức độ nào đó, nhưng các tác nhân gây căng thẳng cụ thể sẽ khác nhau đối với mọi người.

Mẹo: Khó có thể dự đoán thời điểm cảm xúc của bạn bị xâm chiếm. Phản tư thường xuyên sau mỗi lần sẽ giúp bạn hiểu hơn về cảm xúc của bạn, đánh giá các lựa chọn hành vi có thể xảy ra và lựa chọn phản ứng tốt nhất cho những lần sau.

• Tại sao tôi lại phản ứng theo cách tôi đã làm?

• Phản ứng của tôi có giúp ích gì cho tôi hay làm hại tôi không?

• Tôi cảm thấy thế nào ngay tại thời điểm đó? vài giờ sau đó? một tuần sau? một tháng sau?

• Tôi có thể đã hiểu sai hoặc đang làm sai điều gì đó hay không? đặc biệt là những lúc nóng giận?

• Tôi sẽ thay đổi điều gì nếu tôi có thể làm lại?

• Tôi có thể làm những gì nếu tình huống như vậy xảy ra một lần nữa?

Khi bạn bắt đầu hiểu tại sao bạn lại phản ứng theo cách bạn đã làm, bạn có thể huấn luyện phản ứng của mình để lần sau bạn phản ứng khác đi.

2. Quản lý căng thẳng

Một chìa khóa quan trọng để ngăn chặn việc chiếm đoạt cảm xúc là nhận thức được các tác nhân gây căng thẳng của bạn và xác định khi nào căng thẳng cấp tính hàng ngày đã chuyển thành căng thẳng mãn tính. Điều mà có thể dẫn tới các bệnh về tâm lý nghiêm trọng. Nếu bạn thường xuyên rơi vào trạng thái căng thẳng, áp dụng các kỹ thuật quản lý căng thẳng có thể hữu ích.

Quản lý căng thẳng hiệu quả nên bao gồm các thuốc giảm căng thẳng nhanh (như các bài tập thở ngắn) để giảm bớt tức thì và các thói quen lành mạnh giúp giảm căng thẳng tổng thể (như tập thể dục, thiền và viết nhật ký).

Mẹo:

Quản lý căng thẳng cần được thực hiện trong một thời gian dài. Tuy nhiên, ngay tại thời điểm xảy ra tình huống khiến bạn mất kiểm soát, bạn cũng có thể giảm thiểu hậu quả bằng những hành động nhỏ và đơn giản sau đây:

  • Nhắc nhở bản thân “Tôi đang cảm nhận được căng thẳng ngay lúc này”.
  • Quy luật 6 giây: Các hoá chất được giải phóng trong quá trình chiếm đoạt cảm xúc nhân diễn ra khoảng 6 giây và sau đó chúng sẽ tiêu tan. Tận dụng thời gian này để đánh lạc hướng cảm xúc bằng cách tập trung vào một việc khác (ví dụ như đi uống nước chẳng hạn) sẽ giúp bạn kiểm soát tốt hơn và tránh được phản ứng cảm xúc.
  • Hãy dừng lại ngay khi bạn cảm nhận được bản thân đang vượt kiểm soát. Hãy cho phép bản thân rời khỏi cuộc hội thoại, ra khỏi phòng tại thời điểm đó.

Một cuộc chiếm đoạt cảm xúc có thể khiến bạn sợ hãi vì cảm giác mất kiểm soát và có thể khiến bạn cảm thấy tội lỗi cũng như hối hận sau đó. Tuy nhiên, khi luyện tập, bạn có thể tránh để phản ứng cảm xúc của mình trở nên tốt hơn.