Bạn hãy áp dụng 1 số phương pháp sau đây để kiềm chế và giải tỏa cơn giận của mình nhé.

A. Trong tư tưởng.

1. Không sợ nóng giận

Khi bạn nhận ra giận dữ là điều không nên có và không còn chút e sợ với cảm xúc này thì có thể nói rằng bạn đã bắt đầu kiểm soát được nó. Bởi lúc này bạn đặt trách nhiệm vào sự việc, tâm thái của bạn trở nên bình tĩnh hơn và có thể giải quyết vấn đề trong trạng thái cân bằng tốt nhất.

2. Nghĩ đến trách nhiệm bản thân

Khi gặp một vấn đề rắc rối nào đó, thường thì người ta sẽ tìm cách quy trách nhiệm cho người khác, từ ngữ đầu tiên trong tâm trạng bực tức, khó chịu với ai đó thường kiểu như là “Anh/chị đã làm cho tôi trễ nãi công việc, làm cho sự việc rối tung lên”. Tuy nhiên, nếu bạn nghĩ đến trách nhiệm của bản thân thì bạn sẽ tập trung để xử lý hơn là phàn nàn những việc đã diễn ra “Trong chuyện này có phần trách nhiệm của mình, mình nên làm như thế này thế này mới đúng… mình cần giúp đỡ các bạn khác…”

3. Tránh suy nghĩ tiêu cực

Không có gì sai nếu tự phê bình bản thân, nhưng tư tưởng lúc nào cũng bi quan thì sẽ kéo theo các cảm xúc khác đi xuống mà qua thời gian sẽ làm tăng thêm căng thẳng và chán nản trong bạn. Vì thế bạn hãy thừa nhận cái thực tại, bù lại là sự khắc phục và lạc quan trong suy nghĩ “Tôi đã làm gì sai? Tôi cần thay đổi như thế như thế…À, việc này cũng đâu đến nỗi kinh khủng như mình nghĩ, mình có thể làm nó tốt hơn…”. Khi mặt tích cực của bạn xuất hiện, bạn sẽ cảm thấy dễ chịu hơn và gặt hái nhiều thành công hơn.

 

B. Trong công việc.

4. Tập trung vào vấn đề cần giải quyết hơn là tranh cãi

Con người không ai hoàn hảo và ai cũng có thể mắc những sai lầm. Cho dù bạn có tức giận, trách mắng những lỗi lầm của người khác thì cả bạn và họ cũng không giải quyết được vấn đề. Tốt hơn là dừng ngay việc phàn nàn và đổ lỗi cho người khác và ưu tiên cùng nhau trước mắt tìm phương án giải quyết để hạn chế hậu quả của vấn đề có thể gây ra.

5. Không giữ thù hận hay ác cảm

Trong tâm mang thù hận hay ác cảm với ai đó không những làm tiêu hao năng lượng và thời gian mà còn làm vẩn đục tư tưởng của bạn, thậm chí đẩy bạn xuống mức thấp nhất của cảm xúc tiêu cực. Hãy để mọi thứ qua đi. Tha thứ, quên đi quá khứ và thoát khỏi hố sâu của hận thù mà chỉ nghĩ về một tương lai hạnh phúc ở phía trước đang chờ đón bạn.

6. Không gửi mail trong cơn giận dữ

Cách bạn truyền đạt thông tin với mọi người trong công việc đều có sức ảnh hưởng đến mọi lĩnh vực nghề nghiệp trong tương lai. Email là phương tiện truyền thông kết nối có tiềm năng phát triển hoặc phá hủy sự nghiệp của bạn. Do đó, nếu bạn viết mail trong lúc “bốc lửa” nhất thì hãy lưu mail vào thư nháp, không điền tên ở  phần người nhận, để xem lại vào ngày hôm sau. Vì trong lúc tức giận, chắc chắn bạn sẽ viết ra những điều không mấy tốt đẹp và có thể gây tổn thương cho người khác, thậm chí còn có thể phá hỏng sự nghiệp của bạn.

 

C. Ở nhà.

7. Thiền định

Stress và lo lắng là nguyên nhân của sự tức giận, thiền định có thể giúp bạn giảm bớt những điều này một cách tối đa. Ngồi thiền đều đặn có thể điều chỉnh nồng độ hormone cortisol được sản sinh ra trong suốt thời gian bị stress (Đây là loại “hooc môn stress” làm tăng huyết áp, tăng mức đường huyết và có tác động kháng miễn dịch – tức là ngăn cản khả năng miễn dịch trong cơ thể). Thiền cũng làm tăng hormone serotonin, còn được gọi là hormone ‘Cảm giác tốt’ –  giúp con người nhận thức và điều hòa cảm xúc.

8. Tập thể dục

Tập thể dục thường xuyên làm tăng sức lực cho cơ thể và hỗ trợ bộ não tập trung. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng, tập thể dục giúp con người kiểm soát được cơn nóng giận. Ngoài ra, còn làm giảm nguy cơ hành động, lời nói, cử chỉ quá mức bình thường.

9. Lưu giữ nhật ký

Nhật ký là một hình thức khác lành mạnh để “kiềm chế” các cảm xúc của bạn. Đây là nơi tuyệt vời để giải thoát các ý tưởng, cảm xúc tiêu cực mà không làm tổn thương bất cứ ai.

Tục ngữ Việt Nam có câu “cả giận sẽ mất khôn”. Đúng vậy, ai trong chúng ta cũng đều nhận thức được hậu quả của việc không giữ được bình tĩnh và mất lý trí do nông nổi nhất thời. Cách chúng ta có thể vượt qua được chính là hiểu rõ và kiểm soát cảm xúc của mình.

Hy vọng những lời khuyên hữu ích trên sẽ giúp bạn đánh giá được vấn đề, đánh giá được bản thân một cách tường tận để tránh những xung đột mâu thuẫn đáng tiếc xảy ra.